Người làm nông nghiệp thường truyền nhau kinh nghiệm, những loại cây ăn đặc sản như cam đường canh, bưởi diễn, cam vinh, bưởi da xanh… chỉ phát triển phù hợp ở từng vùng đất.
Tuy nhiên, gần đây nhiều loại cây đặc sản của các vùng, miền được người làm vườn huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đưa về trồng, không những phát triển tốt, mà còn cho ra chất quả ngon và hương vị rất đặc biệt.
Đất lành, quả đậu…
Nếu như mươi năm trước đây, nói đến đất Chũ của huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, người ta chỉ biết đây là xứ sở của cây đặc sản vải thiều. Vải thiều trồng ở đất Chũ quả nhỏ, vỏ mỏng, cùi dày và ngọt nước, hột nhỏ. Nhờ cây đặc sản vải thiều, người dân Chũ có mức sống khá giả hơn các huyện miền núi khác. Thời kỳ cao điểm, diện tích vải thiều của huyện Lục Ngạn lên đến 20.000 ha. Chính vì diện tích lớn, sản lượng nhiều, trong khi đầu ra chưa thực sự bền vững, nên 5 năm lại đây, vải thiều giảm giá mạnh.
Mô hình sản xuất sạch cam đường canh, bưởi diễn, bưởi da xanh… rộng 40 ha của Trung tâm thực nghiệm và chuyển giao công nghệ sinh học – Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, tại xã Tân Mộc, huyện Lục Ngạn.
Tuy nhiên, với người dân Chũ, vải thiều giảm giá còn là động lực thúc đẩy người dân Chũ tìm cách gia tăng giá trị của cây trồng. Anh Nguyễn Văn Cường, thôn Đầm, thị trấn Chũ nhớ lại: Cách đây 5 năm, biết một số vườn trong huyện trồng cam canh thành công, anh đã mạnh dạn chặt bỏ 1/2 vườn vải thiều (cây 10 – 15 năm tuổi) để trồng cam canh. Năm 2013, chỉ với 1 sào cam canh cây 3 năm tuổi thu hoạch, đã cho gia đình lợi nhuận 400 triệu đồng, mức lợi nhuận gấp 5 lần diện tích vải thiều. Từ thành công này, anh Cường chia sẻ với bà con trong vùng cùng trồng. Cho đến nay, chỉ sau 5 năm phát triển, cả thôn Đầm đã có hàng trăm hộ chuyển vải sang trồng cam canh, bưởi diễn.
Nói đến mô hình thành công với cây đặc sản có múi (bưởi diễn), người trong vùng ai cũng biết đến gia đình anh Trịnh Ngọc Nam, thôn Kim Thịnh, xã Thanh Hải. Với diện tích vườn chỉ 2 ha, thu nhập từ vườn bưởi diễn của gia đình anh Nam đạt 2 tỉ đồng/năm. Chia sẻ thành công, anh Nam cho biết, trước đây vườn cũng chỉ trồng vải thiều. Năm 2001 mới bắt đầu đưa 200 gốc cam canh, bưởi diễn về ươm thử. Không ngờ thành công, cam canh, bưởi diễn của vườn được các nhà hàng ở Hà Nội biết tiếng về đặt mua tại vườn với giá cao.
Sẽ quy hoạch vùng cây ăn quả sạch
Theo ông Nguyễn Anh Hoàng, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt, Sở NN&PTNT Bắc Giang, huyện Lục Ngạn được thiên nhiên ưu đãi cả về khí hậu và thổ nhưỡng. Từ điều kiện này cộng với truyền thống làm vườn của người dân đã hình thành nên vùng cây ăn quả tập trung lớn nhất miền Bắc. Diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện Lục Ngạn đã đạt trên 26.000 ha. Trong đó, diện tích vải thiều là hơn 16.000 ha, cam canh hơn 2.300 ha, bưởi diễn, bưởi da xanh gần 1.300 ha, táo 120 ha… Sản lượng cây có múi hiện đã lên tới gần 30.000 tấn. Doanh thu từ trồng cây ăn quả toàn vùng đạt hơn 3.000 tỷ đồng/năm.
Nhận thấy giá trị kinh tế cao từ cây ăn quả có múi trên địa bàn, những năm gần đây, huyện Lục Ngạn và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang đã phối hợp nghiên cứu, đánh giá các giống cây ăn quả như cam đường Canh, cam V2, cam Vinh, bưởi Diễn, bưởi Da Xanh… Thực tế cho thấy, các giống cây ăn quả có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt trên địa bàn và mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng. Từ cơ sở này, tỉnh Bắc Giang và huyện Lục Ngạn đã lên quy hoạch và triển khai Đề án phát triển một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2013 – 2020.
Theo đề án, huyện Lục Ngạn sẽ mở rộng diện tích cây ăn quả có múi đến 2020 như: cam đường canh 1.500 ha, cam vinh 650 ha, cam V2 200 ha; 750 ha bưởi diễn, bưởi da xanh; nhãn lồng tăng lên đạt 1.000 ha và có 250 ha táo Đài Loan. Từ nay đến 2020, thông qua Sở NN&PTNT và huyện Lục Ngạn, tỉnh sẽ đầu tư vốn hỗ trợ nhân dân mua cây con giống, đồng thời tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân bằng các mô hình sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…
Theo ông Nguyễn Anh Hoàng, để bảo đảm thị trường tiêu thụ, giữ vững giá trị của sản phẩm vải thiều và các loại cây ăn quả khác, trong thời gian tới, Chi cục trồng trọt và các đơn vị vị chức năng của huyện Lục Ngạn sẽ hỗ trợ mạnh các nhà vườn phát triển các mô hình liên kết, hợp tác về sản xuất và tiêu thụ cây ăn quả. Đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua các kênh hội chợ, tiếp thị, quảng cáo, xúc tiến thương mại… Bên cạnh đó, có chính sách, khuyến khích các công ty, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thu mua và ký hợp đồng thu mua sản phẩm bền vững trên địa bàn. Huyện Lục Ngạn cũng đang xây dựng website giới thiệu về sản phẩm quả gắn với du lịch sinh thái. “Trong mục tiêu phát triển 5 cây chủ lực của tỉnh thì cây ăn quả có múi của Lục Ngạn là một trong những trọng tâm. Trong tương lai, tỉnh sẽ xây dựng Lục Ngạn trở thành vùng cây ăn quả trọng điểm của cả nước, đặc trưng là cây vải thiều và các loại cây ăn quả có múi với giá trị kinh tế cao…”, ông Hoàng nói.
Báo Tin tức/Xuân Hương