Đó là nhận định của TS. Đào Thế Anh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống Nông nghiệp về xu hướng phát triển của nông nghiệp Việt Nam tại tọa đàm “Tương lai của nền nông nghiệp sinh học Việt Nam” vừa diễn ra tại Hà Nội.
Đất “ngộ độc” hóa chất
Tại tọa đàm, TS. Đào Thế Anh cho biết: “Theo thống kê của Tổ chức Nông nghiệp Thế giới FAO, trung bình mỗi năm Việt Nam nhập khẩu hơn 700 triệu USD thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó, có tới 50% số lượng hóa chất trên có xuất xứ không rõ ràng hoặc có nguồn gốc từ Trung Quốc”.
So sánh con số này với việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam vào năm 1985, TS. Đào Thế Anh cho biết: “Chỉ trong 30 năm, việc sử dụng hóa chất nông nghiệp của nước ta đã tăng lên gấp 10 lần”.
Hơn nữa, thống kê của FAO cũng chỉ ra rằng tại Việt Nam có đến 80% việc sử dụng chất bảo vệ thực vật là sai cách.
Như vậy, số lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng tại Việt Nam là vô cùng lớn nhưng chất lượng và cách sử dụng của nó cũng không được đảm bảo.
Thêm vào đó, nước ta chỉ đạt là 1.8 điểm, cao hơn so với quốc gia có chỉ số an ninh tài nguyên nước thấp nhất Đông Nam Á Campuchia là 0.2 điểm.
Nhìn nhận vào thực tế, trong giai đoạn 2005 – 2015, Mỹ, Liên minh Châu Âu EU và nhiều quốc gia nhập khẩu thực phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã trả lại nhiều lô hàng do vấn đề về an toàn thực phẩm và hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn đọng.
Không những tác động vào lợi ích trước mắt của Việt Nam, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật còn mang lại những hậu họa về lâu dài. “Sử dụng nhiều thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật không những tiêu diệt sâu bệnh mà nó còn xóa sổ cả những vi khuẩn, vi sinh vật có lợi trong đất. Từ đó, khiến đất trồng rơi vào tình trạng đất chết”. Lúc này, đất hoàn toàn mất giá trị sử dụng và có nguy cơ cao trở thành đất bỏ hoang.
Tiên dược mang tên “nông nghiệp sinh học”
Trước thực trạng đó, muốn hồi sinh đất chết, theo TS. Đào Thế Anh, phát triển nông nghiệp bền vững chính là giải pháp tối ưu nhất.
FAO 2016 định nghĩa: Phát triển nông nghiệp bền vững là quá trình bảo tồn tài nguyên (bao gồm tài nguyên đất, nước, nguồn gen thực vật và động vật), mang thuộc tính không phá hủy môi trường, kỹ thuật phù hợp với trình độ của người dân, tạo ra hiệu quả kinh tế và công ăn việc làm cho người dân.
Để phát triển nông nghiệp bền vững, có hai xu hướng: nông nghiệp sinh thái và nông nghiệp công nghệ cao, chính xác. Xu hướng nông nghiệp sinh thái có thể nói là cuộc cách mạng nông nghiệp xanh lần thứ 2 sau cuộc cách mạng nông nghiệp xanh lần thứ nhất ở Mexico vào năm 1944. Xu hướng còn lại được áp dụng ở các quốc gia công nghệ cao như Isarel, Anh, Mỹ…
Với thực trạng và điều kiện của Việt Nam hiện nay, nông nghiệp sinh học chính là xu hướng tối ưu cho nền nông nghiệp nước ta.
Nông nghiệp sinh học hay nông nghiệp sinh thái là nền nông nghiệp dựa trên việc sử dụng các mối quan hệ tương tác giữa các cơ thể sống và môi trường xung quanh trong một hệ thống nông nghiệp. Tức là mối quan hệ giữa cây trồng, vật nuôi, môi trường đất, vi sinh vật trong đất và môi trường khí hậu. “Nếu áp dụng nông nghiệp sinh học ở những vùng đất chết có thể giúp tái tạo lại sự màu mỡ của đất”, ông Thế Anh khẳng định.
Hiện nay, có 6 phương thức nông nghiệp sinh học ở Việt nam gồm: hữu cơ; thâm canh lúa cải tiến; quản lý sâu bệnh; nông lâm kết hợp; nông nghiệp bảo tồn và vườn-ao-chuồng kết hợp bioga.
Cụ thể, phương thức hữu cơ là phương thức sản xuất hoàn toàn sạch vì không sử dụng hóa chất. Thâm canh lúa cải tiến là phương thức sử dụng hóa chất một cách hợp lý. Quản lý sâu bênh là sử dụng tối thiểu thuốc bảo vệ thực vật đồng thời kết hợp sử dụng nhiều vi sinh vật trong sản xuất. Phương pháp nông lâm kết hợp và nông nghiệp bảo tồn được sử dụng ở miền núi, đồi dốc xói mòn. Mô hình vườn-ao-chuồng kết hợp bioga là hình thức kết hợp sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và tạo ra khí đốt phổ biến vào những năm 60-70 của thế kỉ 20 nhưng hiện nay đã có sự suy giảm về số lượng.
Theo các chuyên gia, để thực hiện được nông nghiệp sinh học ở nước ta, cần có sự mạnh dạn của những người nông dân, sự tham gia của thế hệ trẻ và nhất là những chính sách hỗ trợ của nhà nước. Có như vậy, “đất chết” mới được hồi sinh, nông nghiệp Việt Nam mới có thể trở nên khởi sắc hơn nữa và hội chợ nông sản sạch ngày càng có thêm nhiều gian hàng.
Nguồn: Phan Minh/Lao Động